Trải nghiệm đi cấp cứu ở New Zealand
Chẳng ai mong muốn mình có ngày phải đi cấp cứu, thế mà nhà mình lại phải đi cấp cứu sau gan 3 tháng đặt chân lên đất New Zealand. 3h sáng mùng 3 tết (tính theo tết VN), con gái ho sù sụ cả đêm không dứt, tim thì đập nhanh khó thở làm mình lo lắng vô cùng. Mặc dù buổi tối đã đặt bác sĩ cho con đi khám vào 10h sáng hôm sau, nhưng thấy tình hình có vẻ không yên.
Mà mình cũng chưa hiểu rõ rằng mình có cần phải qua GP rồi mới lên bệnh viện khám hay không? hay tình hình con mình đã đủ để gọi 111 hay chưa. Thế là nhấc máy gọi cho Healthline để xin tư vấn.
Cô phụ trách Healthline hỏi khá kỹ con gái mình bị gì, thế nào, từ khi nào…. rồi hỏi liệu mình có cần hỗ trợ phiên dịch tiếng Việt để rõ hơn về y tế không? mình muốn cô ấy giúp cho con gái khỏe hơn không….Mình lúc này chỉ hỏi, làm ơn chỉ giúp bệnh viện gần nhất và liệu tôi có thể vào thẳng emergency lúc này không? cô ấy nói “ok, bạn có thể vào hospital lúc nào bạn muốn. và lúc này bạn nên vào thẳng emergency”
“bạn có cần tôi giữ điện thoại hỗ trợ bạn trong lúc đi không? đây là thông tin bệnh viện gần nhà bạn nhất, vào cổng nào…. đi làm sao….”. (phù… may mà landline này free, điện thoại mình hết tiền chưa kịp nạp vẫn gọi được, chứ kiểu gọi 1080 như VN là chết chắc)
Thế là 2 vợ chồng nhanh chóng lôi thằng nhỏ đang ngủ lên xe, và con bé lớn đang ho sù sụ vào cổng cấp cứu của bệnh viện. Khu cấp cứu ở đây không đông và xô bồ như VN mà trái lại khá vắng. sau khi khai bệnh cho con bé, nó được đo huyết áp và nhịp tim ngay tại chỗ, cô y tá tiếp nhận đánh dấu vào ô ALERT rồi yêu cầu đưa bé vào phòng cấp cứu bên trong. Khu cấp cứu chia làm 2 khu, khu người lớn và khu trẻ em.
Đúng kiểu nhà quê lên tỉnh, Trải nghiệm đi cấp cứu ở New Zealand thật khác lạ so với vài lần đi cấp cứu trước đây ở VN. Khu cấp cứu ở New Zealand mỗi người một phòng riêng như phòng bệnh, sạch sẽ kín đáo (không theo kiểu đi đẻ ở VN, chờ đẻ mà nude nguyên người, phủ khăn mỏng ở trên rồi nằm ở hành lang nơi biết bao bác sĩ, y tá, trợ lý đi qua đi lại)
Sau khi có y tá đo các thể loại, bác sĩ tới khám và cho bé thuốc suyễn, trong khi chờ đợi thuốc ngấm, có 1 cô đẩy cái máy laptop đến làm thủ tục giấy tờ, cô vừa hỏi thông tin cá nhân, thông tin con, loại visa (trước khi lên xe đã kịp bỏ túi cái passport của con), trường bé học, tên GP… cô vừa gõ vào máy. Xong thì cô mang passport đi photo cái visa rồi quay lại trả, mình không phải ghi chép điền giấy tờ hay ký tên chi cả.
trong vòng 3 tiếng đầu tiên, mình gặp 3 y tá và 3 bác sĩ khác nhau (chắc do giao ca), mỗi người vào kiểm tra nhịp thở, số liệu và khám cho con, rồi hỏi mẹ thêm và thêm chi tiết lịch sử bệnh của con rồi ghi chép vào hồ sơ. họ cẩn thận theo dõi sau 15p vào xịt thuốc cho con, rồi giãn ra 30p, rồi 1h….và tất nhiên kiểm tra mỗi 15p xem con đáp ứng thuốc có tốt không
Lúc này mẹ mới bình tĩnh quan sát xung quanh. Trong phòng trẻ em có khác, ngoài các máy móc dụng cụ, còn có một chồng sách truyện cho các bé đọc, bồn rửa tay với các thiết bị khử trùng, bao tay và 2 cái ghế dựa êm ái cho người nhà ngồi đợi. Y tá mang chăn cho bé và chăn cho mẹ đắp giữ ấm vì trong khu bệnh viện khá lạnh. Dù là khu cấp cứu, nhưng có lẽ do đã có sự phân chia theo các bệnh viện theo khu vực nên áp lực bệnh nhân giảm, vì vậy khu vực này cũng yên ắng hơn.
con thở đều hơn và đã có thể ngủ thì trời cũng gần sáng, khoảng 7h, có người mang đồ ăn sáng đến (yogurt, cháo ngũ cốc và trái cây). Mặc dù vậy, bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi, mình hỏi khi nào thì bé có thể ra về thì bác sĩ nói sẽ theo dõi đáp ứng thuốc của bé, khi nào dãn ra sau mỗi 2h mới xịt thuốc 1 lần thì bé mới được về. Mình mới chợt nhớ lại con cũng hay bị thế này khi ở VN, sốt ruột đưa con đi khám ở Nhi đồng, vào khu cấp cứu thì nói qua khám thường đi, khi nào bé sốt cao đến lơ mơ, khó thở nhiều lắm mới cấp cứu. Đi qua khám thường thì bác sĩ nghe nhịp tim rồi cho toa thuốc (trong đó có thuốc uống dành cho suyễn) rồi đi về. chẳng theo dõi hay xịt thuốc ngay lập tức gì hết. Nghĩ lại mà rùng mình
đến 9h sáng con tỉnh hơn, khỏe hơn, thời gian xịt thuốc giãn hơn thì bắt đầu chạy lung tung qua phòng Play room chơi. mỗi khi y tá muốn khám nhịp tim hay xịt thuốc thì y tá phải chạy qua phòng chơi kiếm con kêu về phòng khám. Các cô cũng rất dễ thương khi con gái đến hỏi bút chì và giấy để vẽ, các cô cho con mấy tờ giấy in sẵn để nối chữ, tô màu, crosswords, giải mật mã…. để đốt thời gian. Trong khi đó thì mẹ tranh thủ xài ké wifi mạnh coi phim vậy.
Tới giờ trưa cũng có người mang đồ ăn nóng hổi đến giống như ở trên máy bay. đến 4h chiều bác sĩ mới cho ra về với 2 tờ giấy , 1 tờ ghi tên thuốc ra nhà thuốc lấy và 1 tờ discharged from hospital ghi rõ bệnh sử, hướng dẫn theo dõi và ghi chú cho GP để lần sau đi khám. Mẹ líu ríu đi về còn con thì tiếc nuối chẳng chịu về. Thiệt tình…mê gì không mê đi mê bệnh viện và quyến luyến mấy cô y tác. Hy vọng sau này con làm bác sĩ con nhé.
**** Lưu ý mạnh: khi đi cấp cứu ở New Zealand, nếu bạn có residence visa/ PR/ citizen/student visa level 8 trở lên hay ít nhất là work visa từ 2 năm trở lên thì con bạn mới được FREE cấp cứu và được chăm sóc kỹ lưỡng, dịch vụ tốt như vậy. Nếu không bạn PHẢI MUA BẢO HIỂM Y TẾ nhé. Không có bảo hiểm hay các loại visa trên, bạn sẽ phải trả ít nhất $525 NZ khi vào cấp cứu đấy nhé.
**** khi gặp bất cứ bệnh lý nào có dấu hiệu nguy hiểm hay cần tư vấn y tế, hỗ trợ y tế ở New Zealand, tìm bác sĩ hay bệnh viện gần nhất các bạn hãy gọi vào số điện thoại tư vấn miễn phí của bộ y tế New Zealand nhé. 0800 611 116. số điện thoại này hoạt động 24/24 và có hỗ trợ phiên dịch tiếng Việt khi bạn cần.
**** Khi đi cấp cứu, chỉ cần mang theo passport và tiền nếu chưa có đủ điều kiện miễn phí, hoặc mã số bệnh nhân ở GP là đủ
khu vực Gia đình có sopha và khu hâm đồ ăn, rửa chén