Giấy tờ cần thiết cho hồ sơ định cư New Zealand
Cũng như tiêu chí của blog, bài này chỉ giới hạn kể lại quá trình chính bản thân mình đã làm hồ sơ định cư, quy trình thế nào, giấy tờ cần thiết làm hồ sơ định cư. Còn những trường hợp khác thì có thể bạn sẽ cần thêm những loại giấy tờ khác, nhưng quy trình vẫn là quy trình chuẩn của loại Skilled worker migration của IMM New Zealand.
Quy trình chính tham khảo từ link sau:
https://www.newzealandnow.govt.nz/move-to-nz/new-zealand-visa/work-visa/skilled-migrant-visas
Khi làm hồ sơ, nếu bạn độc thân thì không cần bàn. trường hợp mình bàn ở đây là trường hợp nộp đơn cho cả gia đình. Tiêu chí lựa chọn người đứng đơn chính
- Ngành làm việc có thể lấy được điểm số cao
- Kinh nghiệm làm việc trong ngành đó từ 5 năm trở lên (hồi xưa ông xã mình đứng đơn vì ổng có kinh nghiệm làm việc nhiều hơn mình mặc dù cùng ngành, còn mình vì chăm con nên chủ yếu là part time)
- Tiếng Anh IELTS 6.5 trở lên
Để có điểm số cao, không chỉ phụ thuộc vào ngành nghề, mà còn phụ thuộc vào các tiêu chí sau:
- Trình độ của đương đơn thạc sĩ trở lên thì được 70 điểm (bằng cấp cần được NZ công nhận), nếu bằng đó do NZ cấp thì được cộng thêm điểm
- Trình độ của vợ/chồng/partner càng cao sẽ có điểm số cộng thêm
- trình độ tiếng anh của partner
- Partner làm cùng ngành sẽ có điểm cộng
- tuổi đương đơn, trẻ nhiều điểm hơn già vì thời gian đóng góp cho đất nước New Zealand nhiều hơn
- Kinh nghiệm làm việc nhiều hơn trong khoảng nào sẽ có thêm điểm
- nếu đã có việc làm ở NZ (đang làm hoặc đã được offer job là được 50 điểm) và nếu việc làm đó ngoài Auckland thì điểm sẽ cao hơn
- …
Điều này cho thấy, nếu việc làm đã ok, bạn và partner nên thi tiếng Anh và cố gắng nộp đơn càng sớm càng tốt nhé.
Các loại hồ sơ mà hồi đó khi làm mình chuẩn bị như sau và nó cũng là những loại giấy tờ cần phải có (tất cả đều dịch công chứng)
-
- Giấy tờ nhân thân
-
- passport của cả gia đình
- Hộ khẩu cả nhà chung 1 sổ (trường hợp nào vc riêng hai địa chỉ, nhập hết về 1 chỗ nhé)
- giấy khai sinh cả gia đình
- Đơn xác nhận thường trú (xin ở Công An phường)
- Giấy kết hôn
- tất cả các hóa đơn của 2 vợ chồng mua sắm gì đó, ghi chung về 1 địa chỉ để chứng minh vc bạn ở chung (vì ở đây họ không quan trọng lắm việc giấy kết hôn, vấn đề là chứng minh các bạn ở chung với nhau). Cái này chuẩn bị từ đầu trữ sẵn sẽ tốt hơn. vd bill điện thoại, mua sắm siêu thị, đồ điện tử, mua hàng online nên chuyển về địa chỉ nhà thay vì địa chỉ cơ quan….nên có cái có tên chồng, cái có tên vợ cho đầy đủ
- Lý lịch tư pháp (bản số 2 nếu lúc đó bạn đang ở VN, bản số 1 nếu bạn đang ở nước ngoài vào thời điểm nộp hồ sơ), xin ở sở tư pháp tỉnh/ tp
- Nếu bạn đã từng ở nước ngoài (dạng du học, đi làm) thì cần liên hệ để xin giấy police check của quốc gia đó, chứng minh quá trình ở đó bạn kg phạm tội gì hết). Ở bao nhiêu nước thì xin đủ hết nha. **** đoạn này thường mất khoảng 1 tháng nên các bạn cũng nên chủ động làm trước
- Thư viết tay hay đánh máy của bạn bè (có số dt hay email) ghi về mối quan hệ của vc bạn, yêu nhau thế nào, sống cùng nhau, hạnh phúc thế nào…
- Khám sức khỏe
- Khám sức khỏe di dân cho cả gia đình tại phòng khám chỉ định của Immigration New Zealand. cái này gần xong hết hồ sơ rồi mới đi khám, vì họ cần kết quả khám mới và gần nhất
- Minh chứng trình độ
- bằng cấp của các bạn bất kể quốc gia nào, từ bằng cấp III trở lên của cả Vợ và Chồng, đều phải gửi đi qua cho bộ giáo dục xác nhận việc công nhận bằng cấp này ngang với các level của NZ. Thông thường là các trường VN đều được công nhận. Việc này các bạn cần làm đầu tiên, gửi bằng tốt nghiệp của mình đi cùng 1 khoản phí đóng online để xác nhận NZQA. Trong lúc chờ đợi kết quả trả về, bạn có thời gian để làm các giấy tờ khác. Tùy vào NZQA xác nhận bằng của bạn level nào thì bạn sẽ được điểm tương ứng cho level đó.
- Chịu khó thu thập các chứng chỉ tiếng Anh điểm càng cao càng tốt, cũng là để luyện tập cho kỳ phỏng vấn sau đó các bạn nhé.
- chứng chỉ chuyên ngành (nếu có càng tốt, chứng chỉ quốc tế càng tốt hơn nữa, đặc biệt với dân IT)
- Minh chứng nghề nghiệp
- Trong hồ sơ bạn sẽ điền tất cả những nơi bạn từng làm qua, khi bạn liệt kê thì cần lưu ý các khoảng thời gian cần liền mạch với nhau. Và lúc này việc cần làm là đi ngược về tất cả các công ty cũ để xin giấy xác nhận các bạn đã làm việc ở đó
- bạn có thể tự soạn lá thư tiếng anh cho sếp cũ, ghi rõ bạn làm việc ở đó thời gian nào, làm chức gì, mô tả công việc đã làm (liên quan trưc tiếp đến chuyên ngành các bạn claim điểm) và đưa cho sếp ký, đóng mộc. Lá thư đó tốt nhất là in trên giấy tiêu đề có logo của công ty.
- Đặc biệt trong phần khai báo và xác minh khoảng thời gian bạn làm ở mỗi công ty, nếu cộng lại tất cả ở khoảng 2 năm, 4 năm, 6 năm sẽ có các mức điểm chênh lệch nhé. Nên ráng cộng lại cho càng nhiều năm kinh nghiệm càng tốt. Thời gian làm việc ở đây tính theo khoảng giờ làm việc 35h/ tuần theo NZ. Bạn tính ra số giờ làm việc trong năm là bao nhiêu thì sẽ ra số năm kinh nghiệm
- Minh chứng nghề nghiệp cho partner nếu ngành nghề của partner cũng nằm trong danh sách shortage skill của NZ
- Hợp đồng làm việc mà bạn và partner đã ký với các công ty (ở nhà không giữ thì lên phòng tổ chức hành chánh của công ty xin bản mà công ty đang giữ đi photo công chứng hén)
- Nếu đã có thời gian làm ở nước ngoài thì ngoài reference letter, hợp đồng hay giấy điều chuyển công tác, nên có thêm minh chứng bạn đóng thuế đầy đủ khi làm ở nước đó
- Trong hồ sơ bạn sẽ điền tất cả những nơi bạn từng làm qua, khi bạn liệt kê thì cần lưu ý các khoảng thời gian cần liền mạch với nhau. Và lúc này việc cần làm là đi ngược về tất cả các công ty cũ để xin giấy xác nhận các bạn đã làm việc ở đó
Hết rùi đó. Hy vọng hồ sơ của bạn không quá phức tạp, hồ sơ mình hồi xưa toàn phải chạy nước rút vì trong 6 tháng chuẩn bị hồ sơ, vừa qua được 2 tháng thì Agent của mình nhận được tin ngành của mình sắp bị xuống điểm, nên phải nộp hồ sơ gấp trước khi thi hành luật, nên việc chuyển hộ khẩu, lấy police check ở nước ngoài, khám sức khỏe… toàn phải chạy nước rút.
Mặc dù Immigration new zealand nói rằng họ xét hồ sơ của bạn công bằng, kể cả khi bạn tự nộp hay thông qua agent, nhưng mình nghĩ thông qua 1 agent có license thì vẫn yên tâm hơn, vì họ hiểu rõ qui trình, và họ biết tin tức việc thay đổi luật nhanh hơn sẽ giúp mình chủ động hơn trong việc khi nào thì nên chạy nước rút với hồ sơ.